Hàng loạt thuê bao di động đến khai báo lại thông tin mới "tá hỏa" rằng số điện thoại lâu nay họ vẫn dùng đang đứng dưới cái tên "Không có tuổi", "đã mất họ", "vừa mới sinh"... thậm chí là "Dâm ô" và "Đại gian, Đại ác"...
Nhận được tin nhắn thông báo phải đăng ký lại thông tin cho thuê bao trả trước, chị Nguyễn Hoài Thu ở, Hà Nội té ngửa khi phát hiện số máy mình đang sử dụng của người khác có tên Nguyen Thi Dam O (Nguyễn Thị Dâm Ô).
Chị Thu không phải là trường hợp duy nhất bị choáng khi biết tên "chính chủ" đang sở hữu số sim di động của mình. Vào thời điểm ban đầu, do việc khai báo thông tin với thuê bao trả trước được thực hiện khá lỏng (bằng tin nhắn, qua mạng…). Chính vì thế chuyện người này đăng ký thông tin hộ người kia diễn ra khá phổ biến.
Nhà mạng đã chấm dứt việc khai báo thông tin trả trước qua tin nhắn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thu Giang làm việc tại một cơ quan truyền thông lớn cũng gặp trường hợp tương tự. Khi đi đăng ký lại thông tin chị mới biết lâu nay chị sử dụng số di động dưới cái tên của người "Khong Co Tuoi" (Không có tuổi). Chưa hết, người này còn khai báo sinh năm 2007, nghĩa là mới có 2 tuổi, còn quê quán lại ở tận Mèo Vạc, Hà Giang.
Anh Nguyễn Văn Bình mới đây cũng nổi cáu khi biết mình đang bị một người nào đó có cái tên "Nguyen Van Dam Duc" đứng tên số thuê bao mà anh đã dùng gần 4 năm.
Còn chị Phùng Thị Hà (Hoài Đức, Hà Nội) thì "cười ra nước mắt" và thề sẽ "không để yên" cho người nào đó chơi khăm khi đăng ký thuê bao của chị dưới cái tên "Con Cho Cai" (Con Chó Cái) hay đại ý là "Còn Cho Cái"…
Trên thực tế, theo thông tin từ phía nhà mạng, chuyện những thông tin gây sốc, tên kỳ quặc không rõ nghĩa hay khách hàng là đàn ông nhưng sở hữu thuê bao di động dưới cái tên đàn bà... xảy ra rất phổ biến. Thậm chí một người tên "Tan Nhan" (Tàn Nhẫn) còn đứng tên cho cả trăm thuê bao di động khác. Chủ nhân thực sự chỉ phát hiện ra điều này khi thực hiện quy định khai báo thông tin cá nhân.
Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị MobiFone cho hay nhiều khách hàng chưa quan tâm đến việc đăng ký thông tin cho sim di động mà mình đang dùng trong khi đây lại là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu pháp của chính họ. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều đại lý cứ tự do đăng ký hộ thông tin cho khách hàng dưới nhiều cái tên khác nhau - mỹ miều đẹp đẽ có và thông tin "chẳng giống ai" cũng có.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Viettel cũng thừa nhận: việc đăng ký thông tin không đúng với tên, tuổi, ngày sinh của chủ thuê bao sử dụng thực sự là có thật. Thậm chí một số thuê bao bị phát hiện trong quá trình rà soát thông tin còn có tên "Chẳng Là Gì", "Không Cần Chi" hoặc "Tôi Chết Rồi".
Theo ông sở dĩ xảy ra hiện tượng này là thời gian đầu các mạng di động cho phép khách hàng khai báo thông tin qua tin nhắn SMS. Hệ thống không thể lọc và phát hiện được tên nào thì có nghĩa, tên nào vô nghĩa...
Theo khuyến cáo của các mạng di động, không chỉ có các chủ thuê bao nhận được tin nhắn khuyến cáo mới phải đi đăng lại. Khách hàng nào cảm thấy nghi ngờ về tên đăng ký cho số di động mình đang sử dụng cũng cần khai báo lại để tránh những tranh chấp đáng tiếc xảy ra.
"Đăng ký lại là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nhà mạng sẽ không thể đứng ra giải quyết tranh chấp cho khách hàng nếu họ không phải là chủ nhân thực sự", đại diện của VinaPhone đưa ra lời khuyên.
Đối với các khách hàng nhận được tin nhắn về việc đăng ký lại, ông Đinh Việt Hưng - MobiFone cảnh báo, đến hết ngày 31/12/2009, nhà mạng sẽ cắt dịch vụ đối với các sim di động đăng ký dưới tên một người vượt quá quy định. Việc xác định sim thứ 4 trở đi bị cắt dịch vụ căn cứ vào thời điểm kích hoạt của các sim.
Cả 3 ông lớn di động đều khẳng định sẽ xiết chặt quản lý các thông tin khai báo từ khách hàng để chấm dứt hiện tượng đăng ký thông tin với các cái tên gây sốc kiểu "Dâm Ô", "Con Chó Cái", "Không Có Tuổi"...
"Đại lý nào mà tiếp tục vi phạm việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước là chúng tôi sẽ phạt hoặc cắt hợp đồng", ông Đinh Việt Hưng khẳng định.
Phan Linh Anh
0 comments