(Dân trí) - Kevin Lee, một anh chàng sinh viên năm cuối tại trường đại học George Mason đang kiếm được 50.000 USD mỗi năm nhờ vào công việc đã được chính phủ Mỹ hợp pháp hóa hiện nay: “bẻ khóa” điện thoại iPhone.
Để thúc đẩy cho công việc của mình, Kevin Lee thậm chí còn đăng quảng cáo trên trang rao vặt lớn nhất thế giới Craigslist với nội dụng “Hãy để chiếc iPhone của bạn bị “bẻ khóa” ngay hôm nay”.
Chỉ trong vòng vài phút, chàng sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính này có thể tải mã vào trong những chiếc điện thoại iPhone của khách hàng và nhanh chóng mở cổng đến một thế giới các ứng dụng và phần mềm không có trong kho App Store mà Apple đang lên án. Những “đặc quyền” bẻ khóa bao gồm: gắn kết nối mạng Internet của iPhone với một chiếc laptop hoặc với iPad mà không cần phải trả thêm phí sử dụng dịch vụ cho nhà mạng AT&T, đổi dịch vụ của AT&T hoặc Verizon với một hãng viễn thông rẻ hơn; tùy biến iPhone với màn hình 3D, thay đổi giao diện, icon…
Hình thức “sơ khai” của việc “bẻ khóa” bắt đầu ngay sau khi Apple trình làng chiếc iPhone thế hệ đầu tiên vào năm 2007 nhưng công việc này hiện đã phát triển thành một ngành công nghiệp béo bở với hàng triệu khách hàng. Jailbreak hay unlock (mở khóa) iPhone bị Apple coi là hành động bất hợp pháp và gây tổn hại tới việc kinh doanh của họ nhưng với chính phủ Mỹ thì không. Hồi tháng 7/2010, Văn phòng bản quyền Mỹ đã đưa một số quy định mới về miễn trừ vào Luật bản quyền kỹ thuật số (DMCA - Digital Millennium Copyright Act), một trong số đó là cho phép người dùng điện thoại di động jailbreak (bẻ khóa hệ điều hành) hoặc mở khóa mạng thiết bị (unlock) để sử dụng các ứng dụng trái phép nhà sản xuất.
“Thành thật mà nói hồi mới bắt đầu, tôi chỉ làm việc này cho bản thân và bạn bè nhưng nó đã được phát triển rất nhanh”, Lee nói “Trước đây, tôi có 5 đến 10 khách hàng mỗi tuần nhưng con số này đã lên tới 30 đến 40 hiện nay. Lee hiện đang jailbreak iPhone để thay đổi thiết kế màn hình mới và sau đó “unlock” chúng để khách hàng có thể chuyển sang dùng các nhà mạng không dây khác.
Cydia, cửa hàng ứng dụng “bẻ khóa” đầu tiên hiện kiếm được khoảng 10 triệu USD mỗi năm và có khoảng 4,5 triệu người sử dụng hàng tuần tìm kiếm các ứng dụng tại đây. Sự thống trị của cửa hàng này trong thế giới jailbreak đã bành trướng nhiều hơn vào năm ngoái, khi xuất hiện một cửa hàng đối thủ bắt đầu “gặm nhấm” vào “miếng bánh” thị trường của Cydia và Cydia chỉ đơn giản là sáp nhập với đối thủ của mình để tạo ra thế độc quyền trên thị trường.
Trong khi đó, một số nhà phát triển đang kếm được hàng chục ngàn USD nhờ vào việc bán ra các ứng dụng của họ.
Mới đây, Toyoto cũng đã cung cấp một chương trình miễn phí trên gian hàng của Cydia, quảng cáo cho dòng xe Scion của hãng. Một khi được cài đặt, chiếc ô tô sẽ được hiển thị trên nền màn hình iPhone và các icon của iPhone sẽ được điều chỉnh để trông giống như biểu tượng gắn đằng trước của dòng xe này.
Toyota cũng là tâp đoàn lớn đầu tiên trình làng một quảng cáo cho trang web “bẻ khóa” www.modmyi.com. Trang web này đã có lưu lượng truy cập và doanh thu tăng gấp đôi kể từ năm 2010.
Kyle Matthews, đồng sáng lập của trang web Modmyi.com nhận xét “Quảng cáo và chủ đề của Toyota, đối với tôi có nghĩa là việc “bẻ khóa” đang trở nên chính thống hơn. Ngành công nghiệp này vẫn đang tăng trưởng, thậm chí các cửa hàng sửa chữa cũng sẵn sàng bẻ khóa cho bạn”.
Apple và nhà mạng AT&T thì không ngừng đàn áp thẳng tay thị trường chợ đen đang bùng nổ này. Ông Matthews cho biết Apple đã ép Toyota dỡ bỏ quảng cáo và chủ đề này và họ đã được hãng sản xuất xe hơi đồng ý. Apple từ chối đưa ra lời bình luận về sự việc trên.
Trước đây, Apple luôn cho rằng việc “bẻ khóa” iPhone hay iPad có thể làm mất hiệu lực bảo hành của thiết bị. Hai năm trước đây, Apple đã gửi đơn kiến nghị lên Thư viện Quốc hội Mỹ, cơ quan chuyên giám sát quyền tác giả rằng “việc sửa đổi trái phép” này đã cấu thành một hành vi phạm pháp và hãng đang phải gánh chịu những phí tổn đáng kế trong việc điều tra những khiếu nại khách hàng về những chiếc iPhone bị “bẻ khóa” không hoạt động.
Mark Siegel, một phát ngôn viên của AT&T cho biết công ty có thể phát hiện khách hàng đang kết nối điện thoại iPhone của họ với các thiết bị khác đã bị “bẻ khóa” trái phép. Những khách hàng này sẽ được hãng gửi các bức thư tự đặt ra các lựa chọn: một là họ có thể trả cho AT&T 20 USD/tháng cho phí sử dụng dữ liệu cao nhất; hai là ngừng việc kết nối các thiết bị không được chấp nhận và ba là từ bỏ nhà mạng AT&T nhưng được tự động đăng kí và nhận hóa đơn thanh toán.
Siegel từ chối tiết lộ chi tiết khoản doanh thu mà nhà mạng AT&T bị mất vì các công cụ kết nối trái phép nhưng cho biết chỉ có một số lượng nhỏ khách hàng đã làm như vậy. Trong khi đó, các lập trình viên cho biết, với công nghệ của mình, AT&T dễ bị “mở khóa” hơn so với Verizon.
Jay Freeman, 29 tuổi, là nhà sáng lập và điều hành của Cydia, cửa hàng ứng dụng iPhone không chính thức lớn nhất thế giới. Cửa hàng này hiện cung cấp khoảng 700 thiết kế và sửa đổi khác phải tính phí ngoài 30.000 thiết kế được miễn phí. Freeman cho biết Cydia được khai trương vào năm 2008 và hiện kiếm được khoảng 250.000 USD lợi nhuận sau thuế hàng năm. Freeman chỉ thuê nhân viên toàn thời gian đầu tiên từ Delicious, trang web lưu trữ bookmark của Yahoo để cải thiện thiết kế của Cydia.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cởi mở như Freeman khi nói về những đóng góp của họ cho cửa hàng ứng dụng thị trường chợ đen này. Một số chuyên gia “bẻ khóa” và các nhà phát triển luôn từ chối phát biểu công khai. Những quảng cáo trên Craigslist và địa chỉ email của Lee hiện đã bị xóa khỏi mạng Internet. Sau một cuộc phỏng vấn đầu tiên với tờ Washington Post, Lee cũng không đưa ra bất cứ lời bình luận nào thêm thông qua trợ lý của mình.
Võ Hiền
Theo Washingtonpost
0 comments