Chỉ trong một ngày, anh Minh Thiện (TP HCM) nhận được gần 10 cuộc gọi của các đại lý bảo hiểm nhân thọ. Cảnh này tái diễn vài ngày khiến anh phát cáu.
Phản ánh với VnExpress.net, anh Thiện cho biết có lần nhận được cú điện thoại của một đại lý xưng là ở công ty Prudential vào buổi họp sáng. Anh trả lời bận họp, người kia xin lỗi và cúp máy.
"Đến chiều nhân viên này lại gọi tiếp và hỏi đã họp xong chưa, tôi trả lời rồi. Lập tức anh ta bắt đầu giới thiệu các sản phẩm nhân thọ. Mặc dù không có nhu cầu nhưng tôi vẫn lịch sự nghe anh ta giới thiệu và sau đó từ chối", anh Thiện cho biết. Song điều làm người khách này bức xúc là vài hôm sau, nhân viên bảo hiểm vẫn tiếp tục gọi điện, hỏi "có thay đổi suy nghĩ gì không".
"Quá bực và mất thời gian, tôi trả lời thẳng là không cần thay đổi gì cả, yêu cầu đừng gọi điện nữa", anh Thiện kể lại.
Tiếp thị qua điện thoại là một cách thức tốt để tiếp cận khách hàng nhưng nếu lạm dụng cũng dễ gây cảm giác bị quấy rầy. Ảnh: S.T. |
Nhiều người phản ánh thời gian gần đây họ liên tục nhận được các cuộc gọi từ những người tự giới thiệu là đại lý bảo hiểm AIA, Prudential, ANZ và một số ngân hàng khác, mời chào sử dụng dịch vụ. Tần suất các cuộc gọi ngày càng tăng lên và họ rất ngạc nhiên khi những thông tin cá nhân của mình đều được nhân viên bảo hiểm nắm rõ.
Anh Trí, một nhân viên văn phòng khác thì cho biết: "Tôi cảm thấy bị quấy rầy quá nhiều nên bây giờ chỉ cần nghe điện thoại giới thiệu là đại lý bảo hiểm, tôi từ chối ngay lập tức". Theo anh Trí, nhiều đại lý bảo hiểm lịch sự xin lỗi rồi cúp máy ngay, nhưng cũng không ít người nài nỉ xin ít thời gian để giới thiệu hoặc xin một cuộc hẹn làm anh càng thêm cảm giác bực bội.
Còn chị Hương, vốn làm ngành bảo hiểm nên khi nhận được cuộc gọi của một đại lý, chị liền hỏi về những lợi ích của các sản phẩm này mang lại. Có lẽ do chưa hiểu rõ về sản phẩm nên đại lý này trả lời ấp úng và tỏ ra khó chịu vì tại sao chị lại hỏi quá chi tiết như vậy. "Có thể đó là một nhân viên mới vào nghề nên chưa có nhiều kinh nghiệm về sản phẩm và cách thức tiếp xúc với khách hàng", chị Hương kết luận.
"Nhiều lúc tôi nhận được điện thoại từ các tư vấn viên bảo hiểm khi đang tập trung suy nghĩ cho công việc, hoặc tham dự những cuộc họp với cấp trên. Sợ có việc gì quan trọng tôi phải bắt máy. Hóa ra chỉ là cuộc gọi tư vấn bảo hiểm, và nó đã làm đứt mạch suy nghĩ công việc của tôi", anh Hà, kỹ sư xây dựng cho biết.
Chị Quyên, ở quận Gò Vấp, khi nhận được nhiều cuộc điện thoại của nhân viên tự giới thiệu là bảo hiểm AIA liền gặng hỏi tại sao có các thông tin rõ ràng về mình như vậy. Nhân viên này trả lời: "Các thông tin được lấy từ hệ thống dữ liệu của công ty và hoàn toàn hợp pháp".
Trả lời VnExpress.net, hầu hết công ty bảo hiểm đều thừa nhận tiếp thị qua điện thoại là kênh quan trọng để tiếp cận khách hàng. Các đại lý đều thường thực hiện những cuộc gọi đến khách hàng để tiếp xúc, giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên các đại lý của mình đều được đào tạo đúng quy trình theo quy định pháp luật.
Phó tổng giám đốc thường trực Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam Andrew Yeo cho biết: "Để chính thức trở thành tư vấn viên bảo hiểm của công ty, ứng viên phải tham dự khóa huấn luyện và kỳ thi cuối khóa được Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính phê duyệt".
Còn theo bà Nguyễn Linh Đan, Phòng tiếp thị và truyền thông Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, quy trình đào tạo hiện nay của hãng này cũng được tuân thủ theo yêu cầu và quy định của Bộ Tài chính và Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm. "Các hình thức tiếp xúc với khách hàng hiện nay của AIA Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ của thị trường. Lực lượng đại lý của AIA thực hiện các hoạt động bán hàng dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó chủ yếu là mối quan hệ cá nhân của mình", bà Đan nói.
Ngân hàng ANZ phản hồi, các nhân viên phát triển kinh doanh của họ bắt buộc phải qua đào tạo về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, kỹ năng giao tiếp... ANZ có hệ thống quản lý khách hàng, lưu lại kết quả những cuộc gọi và tiến trình bán hàng.
Theo chị Thanh, một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bảo hiểm, các đại lý mới vào nghề sẽ được công ty cung cấp một danh sách thông tin khách hàng nhưng khá hạn chế. Còn lại họ phải tự tìm kiếm theo kênh riêng của mình.
"Có khi tôi phải tự bỏ tiền túi để mua thông tin với giá 2.000-3.000 đồng thông tin một khách hàng. Những danh sách mà khả năng thuyết phục mua sản phẩm bảo hiểm thành công cao sẽ có mức giá cao hơn, lên đến khoảng 10.000 đồng cho thông tin một người. Nhiều khi một tổng đài giải đáp lớn tại thành phố còn sẵn sàng bán thông tin về khách hàng với giá 1,5 USD một người", chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh cũng cho biết, có khá nhiều nguồn để đại lý bảo hiểm lấy thông tin về khách hàng. Đơn cử như các thùng phiếu bốc thăm trúng thưởng tại siêu thị. Theo đúng quy định thì kết thúc các đợt bốc thăm, đơn vị tổ chức phải hủy thùng phiếu. Nhưng trên thực tế phiếu lại được tuồn ra ngoài để bán cho các đại lý bảo hiểm.
Một nguồn khác nữa là các tờ thông tin mà khách tham quan đăng ký vào cửa hoặc điền vào tham dự trúng thưởng, khuyến mãi tại các hội chợ triển lãm; hayđăng ký tham dự hội thảo, tổng đài1080, danh bạ điện thoại...
Các ngân hàng cũng tham gia vào việc bán các sản phẩm bảo hiểm bằng cách sử dụng ngay nguồn thông tin từ khách hàng đang dùng dịch vụ của họ như ngân hàng ACB đang bán bảo hiểm nhân thọ cho AIA, Manulife...
Hà Mai-VnExpress
0 comments