Cùng một loại sim đẹp nhưng giá mỗi nơi một khác. Ngay cả với chủ buôn, nếu không tính kỹ cũng có thể mua phải sim đắt.
Bắt đầu kinh doanh sim số, Hoài Nam được một đàn anh có kinh nghiệm mách nước, mỗi mạng di động chia thành nhiều trung tâm khác nhau; và giá mỗi loại sim đẹp ở từng trung tâm cũng không giống nhau.
Cùng là tam hoa 6, đấu ở trung tâm III của một mạng di động, giá chỉ 1,2 triệu; nhưng ở trung tâm I có thể lên đến 1,8 triệu. Vì thế, người buôn sim phải tìm nơi để đấu cho rẻ. Với các loại sim tứ quý, lộc phát… cũng tương tự.
“Mỗi trung tâm rẻ loại sim này lại đắt loại sim khác nên không được cứng nhắc. Phải nhớ lợi thế của từng trung tâm, tạo mối quan hệ với dân làm sim ở nhiều nơi mới đấu được nhiều sim rẻ mà ‘chất’”, vị sư phụ của Nam mách nước.
Sim số đẹp không có giá chuẩn. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc. |
Ngoài việc phụ thuộc và các trung tâm đấu sim của nhà mạng, giá còn phụ thuộc vào việc sim có bị gắn mã cửa hàng (mã của các cửa hàng có quyền đấu sim) hay không. Có những sim tam 5, thậm chí 8668 rất đẹp nhưng nếu không bị gắn mã cửa hàng thì giá đấu trong kho ra chỉ gần bằng giá hòa mạng. Ngược lại, có sim không mấy đẹp nhưng đã bị gắn mã thì đấu ra cũng đã hơn một triệu đồng.
Khác với những người mới chập chững kinh doanh, dân buôn sim số đẹp lâu năm có bí quyết riêng. Sim thường được nhà mạng bán theo từng lô, trong mỗi lô có cả những sim rất đẹp và bình thường. Đấu cả lô, giá sẽ rẻ hơn nhiều. Mua rồi, họ xé lẻ ra bán mỗi sim một giá: Sim đẹp thì bán giá cao, sim thường thì giá thấp.
Hơn nữa, khi sim đã có chủ thì bán sẽ có giá hơn khi còn nằm trong kho. “Nhưng chiêu thức này chỉ có thể áp dụng với người kinh doanh trường vốn”, anh Khải, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này chia sẻ.
Riêng với sim tứ quý, ngũ phúc thì giá cả khó lường hơn rất nhiều. Càng kén và hiếm người sử dụng, loại sim này càng có giá, bởi tâm lý “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” hay sim số còn là thể hiện đẳng cấp.
Theo nhiều người buôn sim đẹp, khách đã có nhu cầu mua tứ quý, ngũ quý lựa chọn rất kỹ đến từng con số, bởi số tiền bỏ ra không phải nhỏ. Điều này cũng khiến giá sim có thể tăng lên theo cấp số nhân.
Như sim đuôi tứ quý 9 thông thường, giá hơn 30 triệu thì cũng là sim tứ quý 9 nhưng khách yêu cầu không có số 4 và số 7 (không tử, không thất) thì giá có thể từ 50 đến gần trăm triệu. Thêm vào đó, khi bán cho người sử dụng, tâm lý khăng khăng “kết” một số sim nào đó cũng khiến giá có thể bị đội lên nhiều lần.
Ngoài ra, giá còn phụ thuộc vào đó là sim hòa mạng trả trước hay trả sau, cắt card sang trả trước vào thời điểm nhà mạng có khuyến mãi hay không, đấu trực tiếp từ trong kho hay qua nhiều trung gian mới đến tay người tiêu dùng…
“Sim số về mặt bản chất là duy nhất nên đánh giá của mỗi người sẽ làm cho giá được xác định khác nhau. Cũng vì thế, không thể nói chính xác về việc đắt hay rẻ khi đi mua sim số”, anh Hùng một người kinh doanh sim thẻ lâu năm tại Hà Nội tiết lộ.
Xuân Ngọc-VnExpress
0 comments