Soạn BUY RV "Nội dung tin nhắn kết bạn, rao vặt" gửi 8785 (15000đ - trong ngày)

Tin mới trong ngày

Vẫn biết xài roaming là đắt đỏ, thế nhưng vô tình, nhiều khách hàng dùng di động vẫn phải móc ví để trả cho hóa đơn cước lên tới hàng chục triệu đồng.

Chị Hương - khách hàng sử dụng dịch vụ roaming của VinaPhone kể, kết thúc đợt công tác ở Singapore khoảng một tuần, chị bị nhà mạng thúc hóa đơn cước lên tới 11 triệu đồng. Chị quả quyết chỉ gọi vài cuộc, nhắn mấy cái tin, không hiểu sao chi phí bị đội lên cả chục triệu đồng. “Tôi đi công tác mang theo con nhỏ, chẳng có nhu cầu lướt web, check mail, không nhắn tin, chẳng hiểu nhà mạng căn cứ vào đâu mà tính cho tôi bảng cước cao như vậy”, chị Hương nói.

Nhiều khách hàng phải trả hóa đơn cước phí cho dịch vụ roaming lên tới vài chục triệu đồng. Ảnh: Mobinet.

Chị Hương làm đơn khiếu nại. Thế nhưng, vài tuần trôi qua, VinaPhone vẫn chờ câu trả lời từ phía đối tác nước ngoài, còn nhân viên thu cước thường xuyên thúc chị phải thanh toán toàn bộ số cước.

Mới đây, anh Cường - một khách hàng xài di động của Viettel cũng than thở chuyện cước phát sinh trong thời gian anh đi công tác Thái Lan lên tới gần 30 triệu đồng. Anh quả quyết trong 3 ngày ở nước bạn, anh không hề nhắn tin, nhận hoặc thực hiện bất cứ cuộc gọi nào. Thế nhưng, khi nhà mạng đối chiếu, cước cho dịch vụ roaming của anh vẫn xấp xỉ 30 triệu đồng.

Trong bảng kê chi tiết mà Viettel cung cấp, số cước phát sinh trong tháng 4 của anh không phải là cước liên lạc mà là phí sử dụng dịch vụ GPRS - truy cập Internet qua di động... Phí roaming cho dịch vụ này thường rất cao và nếu vô tình, khách hàng có thể phải trả cho những phút vào mạng lên tới cả trăm triệu đồng chứ không phải chỉ vài chục triệu.

Nhắc đến chuyện roaming nước ngoài, anh Minh, một khách hàng xài dịch vụ di động của Viettel cũng thở dài ngao ngán. Cách đây một tháng, anh có chuyến công tác tại Hong Kong và đăng ký dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi quốc tế. Thấy biểu tượng 3G bên góc trái màn hình, anh cứ thế vô tư vào mạng, lướt web. Lúc đọc tin tức, tra cứu thông tin mê mải, anh chẳng bận tâm đến chuyện cước phí đắt đỏ khi roaming giữa 2 nước. Kết quả là, cuối tháng, anh phải móc ví ra trả cho số tiền cước phát sinh lên tới 9 triệu đồng. "Mình xài dịch vụ phải trả, chẳng có cách nào khác. Thực ra chỉ khi thanh toán cước phí mới biết mình - vung tay quá trán", anh Minh nói.

Dịch vụ roaming ra đời cho phép các thuê bao di động di chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vẫn duy trì được liên lạc nhận cuộc gọi, nhắn tin… tới các thuê bao khác. Do phải sử dụng hệ thống trung chuyển với đối tác viễn thông nước ngoài để chuyển tiếp cuộc gọi nên roaming được coi là dịch vụ dành cho giới nhà giàu khi cước phí tính cho mỗi cuộc gọi hay nhận tin nhắn đắt gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần so với liên lạc bình thường.

Trước đây, dịch vụ này chỉ được mở ra cho các thuê bao di động trả sau và phải đặt cọc trước tối thiểu 5 triệu đồng cho đến 10 triệu đồng, tùy thuộc nhu cầu liên lạc của khách hàng. Ngày nay, cùng với cuộc đua giảm giá cước, khuyến mãi, các mạng di động cũng thi nhau mở dịch vụ roaming quốc tế. Không chỉ thuê bao trả sau mà ngay cả các thuê bao trả trước cũng có thể sử dụng dịch vụ này khi đi công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Phòng chăm sóc khách hàng và giải quyết khiếu nại của cả 3 mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel thời gian gần đây cũng ghi nhận nhiều trường hợp thắc mắc của khách hàng liên quan đến dịch vụ roaming.

Nhân viên giải quyết khiếu nại của Viettel cho biết khi khách hàng đăng ký dịch vụ đều được nhà mạng cảnh báo về mức cước đắt đỏ mà họ có thể phải trả khi sử dụng roaming. Các mạng trong nước chỉ thu phần cước phát sinh chiều gọi bằng giá quốc tế. Các phần phí còn lại, khách hàng phải trả cho mạng đối tác như phí, thuế, cước chuyển vùng. Nhiều nước hiện áp dụng cách tính cước 2 chiều, nghĩa là khách hàng nhận cuộc gọi và tin nhắn cũng phải trả tiền theo biểu giá quốc tế áp dụng ở nước sở tại.

Theo lãnh đạo của cả 3 mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel, không chỉ khách hàng vô tình bị mất tiền oan mà bản thân nhà mạng cũng mất thời gian khi đối chiếu cước để giải quyết thắc mắc cho khách hàng. Trong lúc chờ dữ liệu đối chiếu, các hãng viễn thông VN vẫn phải thanh toán toàn bộ số cước phát sinh của khách hàng cho phía mạng đối tác.

Các hãng viễn thông đều khuyến cáo khi sử dụng khách hàng cần đăng ký hạn mức sử dụng tùy theo yêu cầu công việc của mình. Đồng thời, cần lưu ý một số thói quen nhắn tin, vào mạng hoặc sử dụng một số thiết bị có khả năng tự kích hoạt một số dịch vụ khác.

Hồng Anh-VnExpress

0 comments

Post a Comment

Liên Kết

Loading...
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Tiện ích cho Mobile